CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
TIN MỪNG: Mc 6,34-44
Noel Quesson - Chú Giải
Bài đọc I: 1 Ga 4,7-10
Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau.
Cả một chương trình Giáo Hội.
Cả một chương trình cho các gia đình chúng ta cho môi trường sống và làm việc của chúng ta.
Cả một chương trình cho nhân loại.
Ta gợi ra trong trí nhớ mọi môi trường, quanh tôi hay trong thế giới, nơi còn thiếu tình thương. Và tôi cầu nguyện cho tình yêu triển nở.
Vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Hễ ai yêu thương, thì đã sinh ra bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.
Bản văn có điều thâm sâu khôn dò.
Phải im lặng mà nghe, lập lại, cố diễn tả với mình bằng từ ngữ của chúng ta.
Mọi người yêu thương đều như một chút gì của Thiên Chúa, một miếng tình yêu, vì Thiên Chúa là tình yêu!
Mọi hành vi yêu thương bởi Thiên Chúa mà ra bắt nguồn từ lòng Thiên Chúa.
Vậy ta có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong:
-Tình yêu của một người mẹ thương con … một người con yêu mến cha mẹ …
-Tình yêu của hôn phu yêu hôn thê … của người chồng yêu vợ mình.
- Tình yêu của một người tận tụy với bạn hữu của mình trong công việc.
- Tình yêu của một công nhân lấy nghề nghiệp của mình phục vụ đồng lương.
Chính Thiên Chúa là nguồn mọi sự đó.
Và nguồn cho tôi trong cuộc sống?
Điều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là: Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Người mà chúng ta được cứu sống”.
Thiên Chúa không dừng lại ở điều đại cương, trong những tuyên ngôn đẹp. Thiên Chúa đã tỏ lộ, cụ thể, chứng minh tình yêu Người. Thiên Chúa đã “nhập thể” tình yêu Người. Người đã ban Con Một mình cho thế gian. Chính giữa Chúa Giêsu là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Người là Con Một được trao ban. Duy nhất. Được ban. Không giữ cho mình được ban.
Còn tôi?
Vì tình yêu tôi có thể nhận gì?
Tôi tỏ bày cách cụ thể tình yêu của tôi thế nào?
Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta.
Thánh Gioan luôn nhấn mạnh sáng kiến này của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã không chờ đợi chúng ta. Người đã khởi xướng việc yêu thương chúng ta, cả trước khi biết rõ chúng ta có đáp lại tình yêu này hay không. Kinh nghiệm về tội lỗi, có hơi lạ lùng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều đó: tôi nhận biết rằng họ được mong chờ, được yêu thương, ngay lúc con người không nghĩ đến Thiên Chúa và không yêu Người… Thiên Chúa vẫn không ngừng nghĩ tới và yêu thương họ!
Tình yêu của Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn, Chúa không mong đáp trả gì. Nhưng lạy Chúa, con sẽ cố gắng đáp trả tình yêu ấy như thế nào?
Và Người đã sai Con Một người đến hy sinh đền thay vì tội lỗi chúng ta.
Tình yêu Thiên Chúa không phải để mà vui cười. Đây là một tình yêu “đến đổ máu”. Người hiến mình vì chúng ta. Chúa Giêsu là hy tế vì tội lỗi tôi, Chúa Giêsu hiến mình vì tôi. Vì Người đã yêu tôi đến mức đó. Đến nỗi có thể từ bỏ chính sự sống mình “để tôi được sống”.
Còn tôi?
Bài đọc II: Mc 6,34-44
Chúng ta tiếp tục đón nhận những “dấu lạ” mà Chúa Giêsu thực hiện cho chúng ta.
Khi ấy Chúa Giêsu xem thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ, vì họ như chiên “không người chăn giữ”.
Động lòng thương xót.
Lạy Chúa, dừng lại để chiêm ngưỡng tâm tình đó trong trái tim Chúa. Chúa đã để mình cảm động, xốn xang. Chúa đã tỏ lòng trắc ẩn. Những hiện tượng của đoàn lũ đông đảo khiến Chúa không thể thản nhiên. Chúa không tránh thoát đám đông. Khi một khối người tụ tập ở đâu, điều đó có nghĩa họ đang muốn một điều gì, đang chờ đợi một cái gì.
Và Người bắt đầu giảng dạy họ nhiều điều.
Dạy dỗ. Giáo dục. Khích lệ. Mang đến những giá trị mới. Nhiều điều (=lâu), không phải là đi nhanh. Lâu, bởi vì đó là việc dạy dỗ quan trọng! Đó là chìa khóa khai mở cho nhiều điều sau này. Tế sự phàm tục, thờ sự tôn giáo. Biết một nghề. Đủ khả năng thích ứng với mọi việc của con người. và hiểu biết những sự việc của Thiên Chúa: đó vai trò chính cốt của khoa huấn giáo. Trước hết, Chúa Giêsu đã là nhà giáo huấn: là Đấng dạy dỗ, là Đấng “mở tai” nghe những sự việc của Thiên Chúa.
Các ngươi hãy cho họ ăn đi.
Đó là của ăn tinh thần và tâm hồn, cũng là của ăn đầu tiên. Và lời Chúa là “của ăn”.
Nhưng của ăn thân xác là điều kiện cho mọi sinh hoạt thiêng liêng. Cần săn sóc đến thân xác: công việc tầm thường của biết bao người trên mặt đất này. Biết bao là nghề nghiệp, như nghề nghiệp chân tay, được tổ chức để giúp con người sống thoải mái qua ngày. Công việc của người nhà quê. Công việc của bà nội trợ. Công việc của rất nhiều người làm nghề này nghề khác, trực tiếp hay gián tiếp, đều “cho ăn”, cho phép “Kiếm cơm bánh” dành cho một gia đình.
Một khối người khổng lồ đang làm việc trên hành tinh chúng ta, để có miếng ăn. Thiên Chúa chúc phúc cho họ. Người muốn họ thành công, muốn họ được sống. Chúa Giêsu yêu cầu ta thông phần vào công tác: “Các ngươi hãy cho họ ăn đi”.
Người ra lệnh cho họ bảo mọi người ngồi xuống, làm thành từng nhóm trên cỏ xanh. Họ ngồi xuống từng nhóm, chỗ một trăm, chỗ năm mươi.
Chúa Giêsu đã nắm trong tay một “đoàn chiên không người chăn”, một khối người lộn xộn, đáng thương hại. Giờ đây, đám đông này trở nên một đám “dân tộc trật tự tốt”, một nhóm người được tổ chức, một cộng đoàn. Rõ ràng, Marcô nhấn mạnh đến việc tổ chức cộng đoàn. Ngày nay vẫn còn là một trong những vai trò của thừa tác viên Giáo Hội. Lạy Chúa, con cầu xin Chúa cho các thừa tác viên Giáo Hội của Chúa. Con cầu xin Chúa cho các Kitô hữu mỗi ngày thêm hiểu biết rằng: họ không thể sống trong tình trạng vô danh không đáng kể trong khối người quá thụ động, nhưng họ cần trở nên những phần tử tích cực của một dân sống động, ở đó những tương quan giữa người với người được thiết lập.
Ngày nay, vẫn còn giữ trong các phần chính yếu của cuộc tập họp Thánh Thể: phụng vụ Lời (Ngài dạy dỗ họ nhiều điều), phụng vụ bánh … chung quanh vị Mục Tử duy nhất. Phải, phép lạ này là một dấu chỉ, một biểu tượng của Giáo Hội, hôm nay vẫn còn tiếp tục việc mà Chúa Giêsu đã làm.
Chúa Giêsu cầm lấy bánh … ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ.
Rõ ràng ở đây muốn ám chỉ Thánh Thể. Bởi vì, tại bữa tiệc ly Chúa cũng đã diễn tả tuần tự theo những cử chỉ này.
“Đọc lời chúc tụng” (“eulogein” tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nói tốt”). “Chúc tụng Chúa vì Chúa đã ban cho con bánh này”. Đó là nghi thức Do Thái dùng để thánh hóa bữa ăn. Là một người Do Thái chân chính, Chúa Giêsu luôn thánh hóa mọi cử chỉ Người thể hiện, bằng một lời chúc tụng, bằng một kinh nghiệm. Tất cả đời sống của tôi có là dịp để chúc tụng Thiên Chúa không?
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
“Phép lạ hóa bánh ra nhiều“
hoàn cảnh:
Sau khi đi thực tập truyền giáo trở về, với nhiều thành công, khiến cho dân chúng kéo đến với Chúa rất đông, các Tông Đồ vâng nghe lời Chúa xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy dân chúng rất đông thì chạnh lòng thương xót và người đã chăm sóc họ như người mục tử chăm sóc đàn chiên.
Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay ghi lại phép lạ hóa bánh ra nhiều lần thứ nhất để tỏ bày vai trò mục tử của Đức Giêsu đối với dân Người.
TÌM HIỂU:
“Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương…”:
Đức Giêsu chạnh lòng thương đám đông dân chúng vì họ giống như đàn chiên không có mục tử chăn dắt. Người chăm sóc dân chúng bằng lời rao giảng: Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
35 -42 “và bấy giờ đã khá muộn…” Người chăm sóc họ bằng của ăn phần xác qua phép lạ hóa bánh ra nhiều. Câu chuyện Đức Giêsu chăm sóc dân chúng ở đây, chúng ta nhận thấy rằng: nơi Đức Giêsu, ứng nghiệm những lời Cựu Ước tiên báo về những kỳ công của Thiên Chúa do Đấng Cứu Thế thực hiện:
n Bánh hóa nhiều gợi lại Man-na trong sa mạc (Xh 16; Đn 8,3 -16; Tv 77, 24-25; St 16,20-26)
Đông đảo quần chúng tụ họp chung quanh Đức Giêsu, tượng trưng cho cộng đoàn Dân mới đứng trước Đức Giêsu là Mục Tử, là Ngôn Sứ và Mê-si-a của thời cánh chung (Mc 6,41-42; 14,22). Đức Giêsu dọn cho dân bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể; Người dạy dỗ họ và nuôi sống họ. Ngày nay Hối Thánh cũng lập lại việc đó trong thánh lễ.
Nhóm Mười Hai, sau khi được tham dự sứ mạng rao giảng, cũng được tham dự vào công việc nuôi dưỡng đàn chiên (6,37-40)
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Trong tâm tình và bầu khí mừng Chúa Hiển Linh, Phụng vụ muốn cho người Kitô hữu chúng ta suy niệm bài Tin Mừng hôm nay để một lần nữa, xác tín vào chúa Giêsu là Mục tử tốt lành mà nhờ đó biết gắn bó với Hội Thánh trong đời sống đạo hằng ngày để được săn sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ.
2. Chúa chạnh lòng thương đám đông dân chúng. Người Kitô Hữu năng dừng lại để chiêm ngưỡng tâm tình đó trong trái tim Chúa: Chúa đã để mình cảm động, xốn xang, trắc ẩn, Những hiện tượng đòan lũ d8ông đảo như chiên không người chăn, khiến Chúa không thể lãnh đạm thờ ơ! Trong trách nhiệm truyền Giáo, chúng ta có được tâm tình đó khi nhìn ra hoàn cảnh xã hội chung quanh không?
3. “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”: Dạy dỗ, giáo dục, khích lệ và mang đến những giá trị tinh thần mới: Đó là trách nhiệm của người tông đồ của chúa.
4. “Anh em hãy cho họ ăn đi “: Chúa truyền cho các tông đồ phải chăm sóc dân về của ăn vất chất. Người tông đồ có trách nhiệm phải chăm sóc tha nhân về của ăn phần hồn: sự thánh thiện; của ăn tinh thần: Đời sống nhân bản; của ăn thể xác: cơm ăn áo mặc và mọi nhu cầu của con người. Nhưng phục vụ các nhu cầu tự nhiên chỉ là phương tiện đáp ứng nhu cầu tâm linh; vì việc Chúa hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ loan báo về bánh hằng sống là bí tích thánh thể.
5.Các tông đồ đã xin Chúa giải tán dân chúng vì trời đã muộn; điều này nói lên sự bất lực của con người, vì thế cần đến quyền năng của chúa cứu giúp. người tông đồ phải tự nhận ra những hữu bạn và bất lực của mình để khơi dậy lòng tin và lòng cậy trông vào quyền năng của Chúa.
6. Các tông đồ dâng chúa năm chiếc bánh: số lượng nhỏ bé sánh với nhu cầu của năm ngàn người. Nhưng Chúa cần con người biết dâng phần nhỏ mọn của mình cho Chúa để Người biến thành việc lớn trong chương trình của người.
7. “Ai nấy đều được ăn no và còn dư được mười hai thúng đầy”: Ơn Chúa ban cho hết mọi người, và mọi người đều được thỏa mãn, và ơn chúa ban thì tràn trề dư đầy. Điều này khích lệ chúng ta dù là ai., trong hoàn cảnh nào đi nữa, cũng đều có thể đón nhận ơn cứu giúp của Chúa; miễn sao biết tin nhận và vâng phục chúa thôi.